Nhiều nơi thưởng Tết nửa tỷ đồng, nơi thưởng
30.000 đồng, nơi không thưởng Tết. Nhiều người lao động rơi nước mắt với
thưởng Tết. Tại sao có sự chênh lệch này?
Theo khảo sát của Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội tại 63 tỉnh, thành thì mức thưởng cao nhất
dịp Tết Nguyên đán năm nay thuộc về một doanh nghiệp tại Bình Dương, với
486 triệu đồng/người. Trước đó, vào dịp Tết dương lịch, một doanh
nghiệp tại TP HCM đã có mức thưởng kỷ lục là 583 triệu đồng/người.
Mới
đây, thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, có doanh
nghiệp thuộc khối tư nhân chỉ thưởng Tết cho người lao động được 30.000
đồng/người
Giáo viên nhận thưởng Tết một gói bột ngọt
Bà
Lê Thị Lệ Thủy - Phó chủ tịch công đoàn ngành giáo dục Nghệ An cho biết:
“Nói là thưởng Tết nhưng thực chỉ là quà động viên thôi chứ giá trị vật
chất không là bao!”. Bà Thủy thông tin, năm nay, mức thưởng Tết cho
giáo viên tại Nghệ An dao động trung bình 500.000-600.000 đồng/người đối
với khối THPT và các Trung tâm giáo dục thường xuyên trực thuộc Sở Giáo
dục - Đào tạo Nghệ An. Riêng khối trường mầm non, tiểu học, THCS còn
thấp hơn. Nhiều trường học chỉ thưởng giáo viên vẻn vẹn 100.000 đồng,
thậm chí có 2 trường không thưởng Tết.
 |
Không hi vọng được thưởng Tết, công nhân chỉ mong có tiền về quê đón Tết với gia đình.
|
Cụ thể, trường THPT Cù Chính Lan với loại hình đào tạo ngoài
công lập, năm nay, quy mô trường lớp, học sinh giảm nhiều nên số tiền
thu vào không đủ cho các khoản chi ra. Đến thời điểm hiện tại, tiền
lương giáo viên tháng 11, tháng 12 vẫn chưa có.
Cũng thiếu nguồn
thu như trường THPT Cù Chính Lan, trường THPT Tương Dương 1 nằm ở khu
vực vùng núi có vẻ “may mắn” hơn, khi mỗi giáo viên còn được công đoàn
tặng quà Tết là gói mì chính tự động viên nhau.
“Chúng tôi cũng chia sẻ với các cán bộ giáo viên, dù đồng lương ít ỏi nhưng vẫn bám trường bám lớp”, Bà Thủy tâm sự.
Ngoài
huy động nội lực tại địa phương, công đoàn ngành còn kết hợp vận động
xã hội hóa, tranh thủ mọi nguồn lực để hỗ trợ các giáo viên có hoàn cảnh
khó khăn, công tác tại vùng sâu vùng xa.
Là một người làm trong
công tác giáo dục, bà Thủy chia sẻ: “Tất nhiên cũng có những lúc ngậm
ngùi, vì nghĩ cùng trình độ đại học như nhau nhưng nhiều người có điều
kiện thuận lợi, có thu nhập cao còn chúng tôi thì… Rồi chúng tôi tự động
viên nhau bám trường bám lớp vì yêu nghề, vì yêu các em”.
Dù
thưởng Tết có cao hơn năm trước một chút nhưng chị T.K (công nhân một
công ty xuất nhập khẩu gỗ tại Bình Phước) cho biết: “Với mức thưởng Tết
và với tình hình giá cả hiện nay tôi thấy phải gói ghém mới mong đủ chi
tiêu”. Với chị K. mức thưởng Tết là động lực, là niềm vui cuối năm và
đồng nghĩa là một phần quà mang về cho gia đình sau 12 tháng bôn ba xứ
người
Chị K. bộc bạch: “Khi nghe có người được thưởng Tết gần nửa
tỷ đồng, mình cảm thấy mừng cho họ. Mình cũng xem đó như động lực để
mình cố gắng nhiều hơn”. “Biết đâu, tập thể công nhân cùng cố gắng thì
công ty sẽ phát triển và chúng tôi sẽ có mức thưởng cao như vậy”, chị K.
cười xót xa.
Tại sao có sự chênh lệch?
Ông Huỳnh Thế Du -
Chuyên gia kinh tế, giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright
cho biết: “Thưởng Tết cũng là một hình thức của lương, nếu kinh tế tăng
trưởng tốt thì mức thưởng Tết tất yếu sẽ cao..”.
Nói đến thưởng
là nói đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp trong một năm. “Nhiều
ngành nghề, nhất là khối hành chính sự nghiệp, thưởng Tết rất ít hoặc
không có”. Đó là chia sẻ của ông Cao Sỹ Kiêm - Ủy viên Ủy ban kinh tế
Quốc hội.
Ông Kiêm cho biết: “Tình hình thưởng Tết vẫn không khả
quan. Mặc dù kinh tế có hồi phục, tuy nhiên doanh số và lợi nhuận của
nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tốt. Vào cuối năm, giá xăng dầu có giảm
nhưng chưa kịp tác động đến doanh thu, vì vậy cũng chưa ảnh hưởng được
tới mức thưởng Tết”. Ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng mức thưởng Tết cao vẫn có
nhưng mức trung bình và thấp còn nhiều…
Khối ngành hành chính sự
nghiệp như giáo dục, y tế được ông Kiêm lưu ý bởi mức thu nhập, dịch vụ
không thể tăng lên như sản lượng của các ngành sản xuất khác, vì vậy mức
thưởng Tết hầu như không cải thiện.
 |
Mức thưởng cao nhất dịp Tết Nguyên đán năm nay thuộc về một doanh nghiệp tại Bình Dương với 486 triệu đồng/người.
|
Ông Kiêm cho rằng, đây là lý do chính khiến khối ngành giáo
dục, y tế vẫn thuộc nhóm có mức thưởng Tết thấp, thậm chí không có. Bên
cạnh đó, các ngành cơ khí, chế tạo cũng không khả quan hơn, vì năm 2014
các ngành này thiếu đột phá. Các cơ sở kinh doanh ngắn hạn cũng không
ngoại lệ.
Ông Huỳnh Thế Du chia sẻ: “Chủ yếu việc thưởng Tết thấp
xảy ra ở các trường công. Các trường quốc tế khá ổn. Giáo dục thuộc về
ngân sánh nhà nước mà nguồn lực nhà nước thì có giới hạn. Chiếc bánh
ngân sách nhỏ quá khiến thu nhập không tương ứng với công sức bỏ ra làm
tiêu cực dễ xảy ra, mọi thứ trở nên méo mó”.
Giáo dục cần phải xã hội hóa để tăng thêm các nguồn thu, ông Du nói.
All comments [ 0 ]
Your comments