Sở Tài chính TP HCM đang lấy ý kiến các sở - ngành, quận - huyện dự
thảo quy định về hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số k). Quy định này áp
dụng cho khu đất của dự án có giá trị (tính theo giá đất do UBND TP ban
hành) dưới 30 tỉ đồng; trường hợp thuê đất thu tiền hằng năm mà phải xác
định lại đơn giá thuê đất để điều chỉnh cho chu kỳ tiếp theo; giá khởi
điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi nhà nước cho thuê đất thu tiền
thuê đất hằng năm.
Không gây nhiều biến động
Sở Tài chính đề xuất chia 4 khu vực để tính hệ số k. Khu vực 1 gồm
quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình và Phú Nhuận; khu vực 2 gồm quận 6, 7,
Gò Vấp, Bình Thạnh và Tân Phú; khu vực 3 gồm quận 2, 8, 9, 12, Bình Tân
và Thủ Đức; khu vực 4 gồm huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn và
Cần Giờ (được ưu đãi hơn so với 4 huyện còn lại).
Hệ số k giảm có thể giảm bớt áp lực nghĩa vụ tài chính đất cho người dân
Bảng giá đất TP năm 2015 tăng từ 1,28-1,99 lần so với năm 2014, trong
khi vẫn còn hàng chục ngàn hộ dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất, quyền sở hữu nhà ở vì vướng nghĩa vụ tài chính. Nhằm tạo điều
kiện cho các hộ gia đình, cá nhân sớm được cấp giấy chứng nhận, Sở Tài
chính đề xuất trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân được nhà nước công
nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng từ không phải
đất ở
sang đất ở đối với diện tích đất ở vượt hạn mức, hệ số k được đề xuất
cho nhóm 1 là 1,2 (hệ số k hiện tại là 2). Đây là khu vực có giá đất ở
năm 2015 so với năm 2014 tăng cao nhất TP: 1,88 lần nhưng giá đất chỉ
bằng khoảng 27% giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường. Hệ số k áp
dụng cho khu vực 2 là 1,15 (hiện tại là 1,5), khu vực 3 là 1,1 (hiện tại
1,5) và khu vực 4 là 1,05 (hiện tại là 1,3), riêng
huyện Cần Giờ
là 1. Như vậy, dù bảng giá đất tăng nhưng hệ số k giảm, sẽ không gây ra
nhiều biến động trong quá trình thực hiện nghĩa vụ tài chính của người
dân.
Trường hợp xác định đơn giá thuê đất hằng năm cũng được áp dụng tương tự.
Gỡ rối thủ tục
Riêng trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất
có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng
đất, hệ số k đề xuất cho khu vực 1 là 2, khu vực 2 là 1,9, khu vực 3 là
1,8 và khu vực 4 là 1,6. Sở Tài chính lý giải do các trường hợp này chỉ
thu nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất một lần nên hệ
số k phải bảo đảm phù hợp với giá thị trường bình quân trên từng khu
vực.
Đây cũng là đối tượng mới được bổ sung để áp dụng hệ số k. Theo Sở Tài chính, trước đây, đối tượng này phải thuê đơn vị
tư vấn
xác định giá đất sát giá thị trường, sau đó Hội đồng Thẩm định giá TP
thẩm định lại và trình UBND TP phê duyệt từng trường hợp cụ thể nên thời
gian thực hiện và thủ tục kéo dài, phức tạp. Do đó, nếu áp dụng hệ số k
thì vừa giúp đơn giản thủ tục hành chính cho nhóm đối tượng này vừa
giúp nhà nước kịp thời huy động được nguồn thu từ đất đai.
Hồ sơ “giao mùa”, đóng tiền thế nào?
Đất đai năm 2013, hệ số k phải áp dụng từ ngày 1-7-2014. Thế nhưng,
đến ngày 14-11-2014, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 104/2014 quy
định về khung giá đất (có hiệu lực từ ngày 29-12-2014). Do đó, Sở Tài
chính kiến nghị không hồi tố đối với trường hợp đã được xác định nghĩa
vụ tài chính trong thời gian khoảng trống quy định. Riêng đối với trường
hợp giao đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần trước ngày Luật
Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, thửa đất có giá trị dưới 30 tỉ
đồng, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước, cũng được áp dụng
hệ số k theo dự thảo quy định nhưng giá đất tính theo năm 2015 (thay vì
áp theo giá tại thời điểm được giao đất).
Ngoài ra, sở Tài chính đề xuất trong trường hợp khu đất có vị trí
tiếp giáp từ 2 mặt tiền đường trở lên, hệ số k được tính tăng thêm 0,1;
còn khu đất bị hạn chế chiều cao do bị ảnh hưởng an toàn bay hoặc sử
dụng đất dưới hành lang an toàn lưới điện cao áp... thì hệ số k được
giảm 0,1.
All comments [ 0 ]
Your comments